Giữa tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, số lượng ca nhiễm của Việt Nam đang tăng lên từng ngày. Có rất nhiều trường hợp một thành viên lây nhiễm sang cho cả gia đình. Điều này gây khó khăn cũng như ảnh hưởng tâm lý đến người dân rất nhiều. Khi cả 6 thành viên trong gia đình đều mắc Covid-19, anh Đoàn Quốc Thái dù mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng đứng lên vực dậy tinh thần cho cả nhà. Sau 14 ngày tự chữa trị tại nhà, cả gia đình đều âm tính trong niềm vui mừng khó tả.
6 thành viên trong gia đình đều là F0
Chia sẻ của anh Đoàn Quốc Thái
“Tôi không thể tin rằng cả nhà mắc Covid-19. Vì tất cả đều ở nhà tránh dịch trong những ngày giãn cách xã hội”, Đoàn Quốc Thái (33 tuổi, ngụ P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM) chia sẻ. Ban đầu, trong khu phố có ca mắc Covid-19 và gia đình Thái được xét nghiệm với kết quả âm tính. Tuy nhiên, vào ngày 26.7, mẹ (62 tuổi) sốt và nhiều triệu chứng khác. Rồi lần lượt đến chị, ba (65 tuổi), vợ, con và cuối cùng là anh Thái đều mắc Covid-19.
“Ban đầu, mẹ và vợ rất lo lắng; nhưng tôi quyết định điều trị ở nhà để chăm sóc và vực dậy tinh thần cho cả gia đình”, Thái nói. Anh bắt đầu hành trình tìm hiểu về Covid-19, xem tư vấn từ các bác sĩ đầu ngành rồi áp dụng theo và lấy đó làm động lực tự chữa trị. Bên cạnh đó, anh tham gia các nhóm trên mạng xã hội chuyên hỗ trợ F0 điều trị tại nhà để có thể liên hệ với bác sĩ và được hướng dẫn về những loại thuốc cần thiết. Rồi anh mua thuốc về nhà và thức ăn thì nhờ người em ở ngoài mua gửi đến.
Hành trình tự chữa trị F0 tại nhà
“Ai ho thì uống thuốc ho, ai sốt uống thuốc hạ sốt… Còn thuốc tiêu chảy, thuốc dị ứng có thể mua được ở nhiều nhà thuốc cùng các loại vitamin”, Thái kể lại. Mỗi ngày, anh sử dụng máy đo nhiệt độ và máy đo nồng độ oxy trong máu SPO2; máy đo huyết áp để theo dõi tình hình sức khỏe của từng người trong gia đình.
Anh chia sẻ: “Đừng để cơ thể sốt quá cao sẽ bị mệt rất nhiều, mất nước và nên mua nước điện giải đóng chai có bán ở bên ngoài. Trong những ngày nhiễm bệnh, cơ thể sẽ rất mệt và ăn rất khó khăn. Nên nấu cháo hay canh lỏng để chan cơm ăn cho dễ”.
Phải giữ vững tinh thần lạc quan
Dù rất mệt mỏi nhưng anh Thái cố gượng dậy, làm “thủ lĩnh” trong nhà. Anh luôn cố tỏ ra là mình ổn để động viên, thúc ép mọi người ăn; uống thuốc đúng giờ. Thái cho rằng trường hợp F0 phải luôn có người khác ở cạnh bên để nhắc nhở. Và mỗi ngày đều phải đo huyết áp, SPO2, nhiệt độ 3-4 lần. Rồi mọi người trong gia đình anh động viên nhau, cố vận động vừa phải; cùng nhau dậy tập thở, tránh nằm quá nhiều.
Sau hơn 8 ngày thực hành theo nguyên tắc đó, con của anh Thái bắt đầu khỏe lại. Dần dần đến những người còn lại trong gia đình. Sau đó, kết quả xét nghiệm nhanh đều cho kết quả âm tính vào ngày 2.8. Theo anh Thái, 8 ngày đầu là hành trình gian nan nhất; vì cả nhà đều sốt mê man. Anh nói: “Tôi là con trai trong nhà, nếu mình suy sụp thì chắc chắn cả nhà sẽ sụp theo. Nên phải cố lạc quan nhất”. “Chống chọi với Covid-19; tinh thần là quan trọng nhất. Nên hãy giữ lạc quan nhất có thể và tránh xa tiêu cực”, anh Thái chia sẻ.
“Thông điệp 5K” của Bộ Y Tế
Mỗi người dân chúng ta, cần nêu cao tinh thần tự giác trong việc phòng chống dịch. Mỗi người cần nghiêm tức thực hiện “Thông điệp 5K” của Bộ Y Tế Việt Nam để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh.
- KHẨU TRANG: Điều đầu tiên, mỗi người phải đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Ở những cơ sở y tế hoặc khu cách ly, phải đeo khẩu trang y tế.
- KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên ít nhất 30s bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng mà chúng ta thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Cần giữ vệ sinh và để nhà cửa thông thoáng.
- KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc với người khác.
- KHÔNG TỤ TẬP: Không tập trung ở những nơi đông người.
- KHAI BÁO Y TẾ: phải thực hiện khai báo y tế trung thực. Cài đặt ứng dụng BlueZone hoặc các ứng dụng khai báo y tế điện tử để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.