Hạt đậu đen vốn luôn được biết đến là hạt ngũ cốc có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta hay sử dụng hạt đậu đen để nấu chè, nấu nước uống giải nhiệt. Còn trong Đông y thì các thầy thuốc lại sử dụng loại hạt này để tạo ra nhiều bài thuốc nhằm hỗ trợ điều trị bệnh. Hiệu quả mà những bài thuốc này mang lại cũng đã được kiểm chứng qua rất nhiều người với những thể trạng, căn bệnh khác nhau. Ngay sau đây, độc giả hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về thành phần, công dụng của hạt đậu đen nhé.
Những công dụng nổi bật của hạt đậu đen
Cây đậu đen (còn gọi là đỗ đen) tên khoa học là Vigna unguiculata (L., ) Walp subsp. Đây là một loại thực vật thuộc họ nhà đậu. Cây mọc hằng năm bằng cách gieo hạt, thân thảo, có nhiều nhánh nhỏ. Lá màu xanh, mọc kép bao gồm 3 lá chét mọc so le với nhau. Trong đó lá ở giữa thường có kích thước to và dài hơn so với lá mọc hai bên.
Món ăn có đậu đen vừa có giá trị bổ dưỡng, vừa giúp thanh lọc và làm mát cơ thể. Hạt đậu đen giàu chất dinh dưỡng: Protid, lipid, glucid, chất xơ thực phẩm, các khoáng chất (calcium, hosphor, sắt, caroten, các vitamin: B1, B2, PP…) và nhiều acid amin cần thiết. Ngoài ra, đậu đen còn có genistin, chrysanthemin, các soyayasaponin I, II, III và stigmasterol. Vì vậy, để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể; người dân nên tăng cường sử dụng đậu đen trong mùa dịch bệnh.
Theo Đông y, đậu đen vị ngọt, tính bình vào tỳ, thận. Chúng có tác dụng hoạt huyết lợi thủy, khu phong giải độc. Bên cạnh đó bài thuốc từ đậu đen còn giúp trị vàng da, phù nề, đầy trướng bụng ngực, gân cơ co cứng, viêm sưng do ngộ độc thuốc và hóa chất…Để tận dụng được những lợi ích tuyệt vời trên, bạn nên tăng cường bổ sung đậu đen trong chế độ ăn bằng cách uống nước đậu đen rang hàng ngày, ăn chè đậu đen hoặc thêm nó vào trong các món ăn hàng ngày.
Ứng dụng của hạt đậu đen trong hỗ trợ điều trị bệnh
Đậu đen được dùng làm phụ liệu chế biến thuốc
– Đậu đen nấu với hà thủ ô sẽ hạn chế tác dụng phụ và tăng tác dụng bổ thận thủy, làm giảm đắng chát của hà thủ ô.
– Đậu đen làm thuốc giải độc ban miêu, ba đậu.
– Làm nguyên liệu chế biến đậu xị: Đậu đen đồ chín, ủ lên men có màu vàng, phơi hay sấy khô thành vị thuốc đậu xị. Tùy theo cách ủ men với các phụ liệu (thanh cao, dâu…) mà có đậu xị chất lượng khác nhau. Đậu xị có các chất dinh dưỡng như đậu đen. Đồng thời khi bào chế thành đậu xị có công dụng kháng sinh tự nhiên.
Đậu xị có hai loại: Đạm đậu xị là đậu đen ủ lên men đơn thuần không có muối (đạm – nhạt); đậu xị là đậu đen, muối đồ chín, ủ lên men.
Vị thuốc này có tác dụng tán nhiệt giải biểu, điều hòa dạ dày, trừ chứng bứt rứt. Tùy cách chế mà tính vị có thể đắng hàn hay cay ôn. Đắng hàn dùng cho các chứng cảm mạo phong nhiệt hoặc tim hồi hộp không ngủ. Cay ôn dùng cho các chứng cảm mạo phong hàn.
Sử dụng hạt đậu đen tạo thành vị thuốc đậu xị trị ôn bệnh
– Bài thuốc uống: Ngân kiều tán gia giảm (Ôn bệnh điều biện).
– Thành phần: Liên kiều 8 – 12g, cát cánh 6 – 12g, đạm trúc diệp 6 – 8g, kinh giới tuệ 4 – 6g, đạm đậu xị 8 – 12g, ngưu bàng tử 8 – 12g, kim ngân hoa 8 – 12g, bạc hà 8 – 12g, cam thảo 2 – 4g.
Gia: Xuyên tâm liên 12g, thanh cao hoa vàng 12g (Theo Công văn 1306/BYT-YDCT ngày 17/3/2020 về hướng dẫn sử dụng thuốc y học cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
– Công dụng của bài thuốc: Thanh ôn giải độc, thăng dương ích khí.
– Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang, uống chia đều 3 lần, sau ăn.
– Chủ trị: Ôn bệnh ở thời kỳ đầu, do phong tà xâm phạm vào bì mao và phế vệ, tương đương với bệnh truyền nhiễm trong giai đoạn ủ bệnh, khởi phát. Có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19.